Những năm gần đây, xã Hải Triều đã đẩy mạnh việc
chuyển đổi vùng sản xuất muối kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả
cao hơn. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành
công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện.
Nhằm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị
diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân, xã Hải Triều, huyện Hải
Hậu tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sản xuất, đặc
biệt là chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang trồng màu và Nuôi
trồng thủy sản. Đến nay, xã Hải Triều đã chuyển đổi trên 60ha đất sản xuất muối
sang nuôi trồng thủy sản và trồng màu, tập trung vào nuôi tôm thẻ chân trắng,
tôm sú, cua rèm, các song, cá vược… và trồng dưa, hành, tỏi, cà chua và rau màu
các loại…Theo tính toán của các hộ nông dân với mỗi ha vườn màu có bình quân
thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng. Nổi bật về hiệu quả kinh tế là nuôi trồng thủy
sản, năng suất từ 1,5 đến 10 tấn/ha giá trị thu nhập từ 500 triệu đến 1,5 tỷ
đồng, lãi từ 300 - 900 triệu đồng/ha/ vụ, bình quân mỗi năm 02 vụ. Điển hình
như hộ: ông Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình; Vũ Huy Đệ, Vũ Huy Bàn, xóm Xuân
Hương; Trần Văn Viện, Trần Văn Thiêm, xóm Tân Thịnh; Bùi Văn Tập, Phạm Văn Hợp xóm
Tân Phong… thu nhập hàng tỷ đồng/ vụ nuôi trồng.

Cán bộ và nhân dân trong xã xác định: “Việc
chuyển đổi đất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây màu là
hướng thay đổi tích cực, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương.
Cách làm này đã cơ bản khắc phục được tình trạng mất mùa, mất giá, nâng cao thu
nhập và cuộc sống nông dân. Hiệu quả từ việc chuyển đổi nâng thu nhập gấp hàng
chục lần so với sản xuất muối.
Theo đó, UBND xã Hải Triều đã tập trung làm tốt
công tác quy hoạch, đảm bảo chi tiết, cụ thể cho từng vùng gắn với quy hoạch
sản xuất trong xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
kỹ thuật như: hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương, đường điện… cho
các vùng chuyển đổi để phục vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đề án tái cơ cấu
nông nghiệp được xây dựng cụ thể, khuyến cáo mô hình canh tác phù hợp, cả điều
kiện canh tác với thị trường tiêu thụ, ưu tiên mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ công
nghiệp gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường; coi trọng chỉ đạo việc liên kết giữa
các hộ dân với các doanh nghiệp để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản
xuất, giảm bớt những rủi ro, nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất.

Các vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản đều
đã thành lập các nhóm, tổ và có một làng nghề để các hộ nông dân cùng nhau trao
đổi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, quản lý môi trường nuôi trồng và
thống nhất thả giống, chăm sóc nhằm tạo ra các vùng nuôi chuyên canh tập trung
theo xu hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra môi trường, hiệu quả nuôi bền vững…
Đây là những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, vật nuôi đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thời
tiết, khí hậu ở địa phương góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích
đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân và thực hiện hiệu quả và thành
công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.
Trần Phương